Một số chế phẩm từ thảo dược dùng để phòng và trị hội chứng hô hấp trên lợn và gà

Nghiên cứu do PGS.TS. Lã Văn Kính, Viện Chăn nuôi đứng đầu nhằm xác định chủng loại thảo mộc, nhóm hoạt chất đáp ứng yêu cầu phòng và trị hội chứng hô hấp trên lợn và gà, nghiên cứu sản xuất chế phẩm từ các loại thảo mộc ở trên và nghiên cứu hiệu quả sử dụng chế phẩm thảo dược invitro, invivo trên chuột và trên lợn-gà để phòng và trị hội chứng hô hấp

Nhằm xác định chủng loại thảo mộc, nhóm hoạt chất đáp ứng yêu cầu phòng và trị hội chứng hô hấp trên lợn và gà, nghiên cứu sản xuất chế phẩm từ các loại thảo mộc ở trên và nghiên cứu hiệu quả sử dụng chế phẩm thảo dược invitro, invivo trên chuột và trên lợn-gà để phòng và trị hội chứng hô hấp, Nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Lã Văn Kính, Viện Chăn nuôi, đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu sản xuất một số chế phẩm có nguồn gốc thảo dược dùng để phòng và trị hội chứng hô hấp trên lợn và gà” với các nội dung nghiên cứu bao gồm: Chiết xuất cao thô toàn phần của từng cây và xác định hoạt tính các chất trong cao: tập trung vào nghiên cứu chiết xuất cao thô toàn phần của các cây viễn chí, xạ can, quế, dâu tằm. Thiết kế công thức phối hợp các chế phẩm từ các cao chiết từ loại thảo mộc ở trên: tập trung vào nghiên cứu thiết kế 3 công thức chế phẩm, thử nghiệm hoạt tính các chế phẩm bào chế được in vitro và so sánh với hoạt tính của các chất chiết xuất đơn lẻ ở nội dung 1. Thử nghiệm hoạt tính kích thích sinh trưởng trên chuột nhắt: theo dõi khả năng sinh trưởng; ghi nhận hành vi của chuột khi ăn, uống, vận động. Nghiên cứu sử dụng chế phẩm thảo dược trên lợn và gà: Tiến hành nghiên cứu trên 3 chế phẩm thảo dược và trên 2 nhóm lợn (lợn con sau cai sữa từ 28-56 ngày và lợn thịt từ 56 ngày đến xuất chuồng 100 kg) và 2 nhóm gà (gà thịt và gà đẻ trứng thả vườn).

Ảnh minh họa

Trên cơ sở các kinh nghiệm dân gian và một số kết quả nghiên cứu về hóa dược của các cây thuốc đã có ở trong nước và nước ngoài, nhóm nghiên cứu tiến hành chọn các cây dược liệu thể hiện các ưu điểm nổi bật trong phòng, trị bệnh hô hấp→Nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất trong các cây dược liệu→Phối hợp các công thức thuốc dựa vào hoạt chất và kinh nghiệm từ y học cổ truyền. Áp dụng nguyên tắc quân thần tá sứ của đông y: mỗi vị thuốc có một hướng tác dụng và bổ trợ cho nhau khi phối hợp cùng nhau→Thử nghiệm hoạt tính của hoạt chất/chế phẩm in vitro về các đặc tính để đạt được mục tiêu đề ra của đề tài→Thử nghiệm hoạt tính trên động vật thí nghiệm (chuột nhắt) về các đặc tính kích thích sinh trưởng, tăng cường miễn dịch, độc tính chế phẩm trước khi sử dụng trên gia súc→Thí nghiệm trên gia súc (lợn, gà) để kiểm tra hiệu lực trên đối tượng sử dụng sau cùng, liều lượng sử dụng thích hợp, hiệu lực của thuốc đối chiếu với mục tiêu đã đề ra (thay thế kháng sinh)….

Sau 3 năm (2012- 2015) triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

– Đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất 4 loại cao là cao Xạ can, cao Dâu tằm, cao Viễn chí và cao Quế với việc sử dụng 3 loại cồn để chiết xuất là cồn 96 độ, 72 độ, 48 độ. Đã xây dựng được tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

– Đã bào chế thành công 3 chế phẩm từ các loại cao chiết nói trên và cao bọ mắm. Chế phẩm thảo dược CP3 gồm 39,9% cao Xạ can, 36,6% cao Quế, 23,5% cao Dâu tằm và hoạt chất chính trong chế phẩm này là Flavonoid 0,243%, giá thành 69.949 đồng/kg. Chế phẩm thảo dược CP4 gồm 42,8% cao Xạ can, 32,0% cao Bọ mắm, 25,2% cao Dâu tằm và hoạt chất chính trong chế phẩm này là Flavonoid 0,261%, giá thành 83.193 đồng/kg. Chế phẩm thảo dược CP5 gồm 52,8% cao Xạ can, 34,1% cao Bọ mắm, 8,1% cao Viễn chí và hoạt chất chính trong chế phẩm này là Flavonoid 0,164%, giá thành 94.522 đồng/kg. Việc nghiên cứu dược tính của cao CP4 trên chuột đã chứng minh khả năng kháng viêm và kháng khuẩn của chế phẩm khá tốt.

– Các chế phẩm thảo dược hoàn toàn có thể thay thế việc bổ sung kháng sinh trong thức ăn cho gà và lợn. Thay thế kháng sinhtrong thức ăn cho gà thịt bằng 0,3% CP3 hoặc 0,21% CP4 hoặc 0,32% đã giảm tỷ lệ gà bị bệnh hô hấp, cải thiện 7-10% khối lượng gà lúc 10 tuần tuổi và 7-9% tiêu tốn thức ăn.

– Khi thay thế kháng sinh trong thức ăn cho gà đẻ Lương Phượng, Hyline bằng 0,2% chế phẩm CP3 hoặc 0,21% chế phẩm CP4 hoặc 0,16% chế phẩm CP5 đã giảm bệnh hô hấp trên gà từ 0,51% xuống còn 0,08 – 0,12%, giúp tăng trọng lượng trứng từ 2-3,7%, nâng cao tỷ lệ trứng chọn ấp từ 1,6-2,1%, giảm hệ số chuyển hóa thức ăn trên 10 quả trứng từ 2,0-5,6% giảm giá thành 1 trứng giống từ 2,8-6,2% so với lô đối chứng và lô bổ sung kháng sinh.

– Khi thay thế kháng sinh trong thức ăn cho lợn con sau cai sữa bằng 0,5% chế phẩm CP3 hoặc 0,51% chế phẩm CP4 hoặc 0,64%chế phẩm CP5 có tác dụng giảm 32- 51% tỷ lệ lợn bị bệnh hô hấp, kích thích tăng trưởng, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn so với bổ sung kháng sinh. So với khẩu phần cơ sở, tăng khối lượng trung bình hàng ngày của lợn ở các khẩu phần có bổ sung thảo dược CP3 tăng trọng lượng cao hơn 14-23%, tăng lượng ăn vào10-14%, giảm tiêu tốn thức ăn 2-8%, giảm chi phí thức ăn cho một kg tăng khối lượng.

– Khi thay thế kháng sinh trong thức ăn cho lợn thịt bằng 0,5-0,68% CP3 hoặc 0,51%. CP4 hoặc 0,64% CP5 % có tác dụng tốt trong phòng bệnh hô hấp ở lợn, Tăng trọng cao hơn từ 7-12%, tiêu tốn thức ăn thấp hơn từ 8-9%, chi phí tiền thức ăn thấp hơn 3%.

Từ những kết quả đạt được này, có thể thấy các kết quả đề tài đạt được là rất khả quan, và do được thực hiện lặp lại nhiều lần nên có độ tin cậy rất cao. Do đó, đây sẽ là cơ sở để khẳng định có thể hoàn toàn sản xuất, sử dụng các chế phẩm thảo dược để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi bởi vì khi sử dụng 3 chế phẩm này trong khẩu phần ăn cho lợn và gà đã mang lại lợi ích cho sản xuất là không sử dụng kháng sinh trong thức ăn từ đó không có tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và của toàn xã hội. Khi các sản phẩm chăn nuôi không có tồn dư kháng sinh sẽ giúp gia tăng hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi. Hơn nữa do các chế phẩm thảo dược của đề tài có nguồn gốc tự nhiên nên khi sử dụng trong chăn nuôi sẽ giảm sự đào thải các chất độc hại ra ngoài môi trường so với việc sử dụng kháng sinh. Chủ động trong sản xuất các chế phẩm, đồng thời sử dụng hợp lý các nguồn cây dược liệu sẵn có trong nước đã làm giảm đáng kể nhập khẩu một số loại kháng sinh và giảm chi phí ngoại tệ nhập khẩu thuốc.

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị được tiếp tục sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện đề tài và đưa sản phẩm ứng dụng vào sản xuất.

Nguồn: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia